--> Skip to main content

Má Thương

Tôi vẫn hay kêu má là má Thương, vì má tên Thương, và má thương tôi như người thân của má vậy. Nếu có một nơi để tôi lui tới mỗi lúc mất phương hướng, giữa thành phố xa lạ này, thì đó là ngôi nhà nhỏ của má. Đặc biệt, má nấu ăn ngon đến nỗi, tôi đã nghĩ rằng, má là người nấu ăn ngon nhất Đà Nẵng này. Đến nỗi, dù có kêu hết đầu bếp từ Marina cho đến Pullman, hay gần gần chỗ má là cơm tay cầm, về tập hợp lại nấu thì cũng chưa ngon bằng một góc so với má nấu. 

nguyendacphong.com, Namphongnote, Nguyễn Đắc Nam Phong

Má Thương hiền lắm. Má cười cũng hiền. Má nói cũng hiền. Má giận, má la cũng hiền nốt. Lại thêm, má rất hay thương người. Thấy ai hiền lành, tội tội, má đều lấy đồ của mình ra cho họ. Đôi khi là cái áo, cái quần. Đôi khi, lại là chén cơm, ly nước. Có lần tôi nói má đừng nên ai má cũng tin, ai má cũng cho. Má bảo: Kệ, tội họ con!
Từ lúc tôi vào Đà Nẵng tới giờ, má lúc nào cũng sợ tôi đói. Cứ thấy mặt tôi lấp ló, câu đầu tiên má hỏi là: Đã ăn cơm chưa con? Tôi nhớ những ngày đầu khó khăn, khi tôi mới đặt chân vào Đà Nẵng, từ một người xa lạ, tôi coi má như người thân duy nhất của mình. Trưa nào tôi cũng ở nhà má, ăn cơm cùng má. Tôi hay bảo, má không sợ con ăn hết cơm má à. Má bảo tôi: Kệ, hết thôi, ăn đi con, ăn cho no, kệ... 

Má bị tim mạch. Bệnh người cao tuổi. Năm ngoái, đang ở nhà, đột nhiên má bị khó thở, con cháu đứa nào cũng ở xa, má lại chẳng bấm được điện thoại lúc đó. May sao có bà gì Hai hàng xóm, gì Hai gọi được cho tôi. Đang ở khách sạn, tôi chạy như bay qua nhà má, chở má đi cấp cứu, trên đường đi tôi cứ vừa sợ vừa lo kinh khủng. Lỡ má có chuyện gì... Tới viện, phải là người nhà mới làm thủ tục nhập viện, tôi nhân là mình là con trai má. Sau đấy, có mấy cô ý tá với bác sĩ giúp, má cũng đỡ. Tôi cứ vừa cầm dép má, vừa đẩy má trên giường bệnh đi từ phòng này qua phòng nọ, khoa này qua khoa nọ, bệnh viện thì đông, may sao có cô bác sĩ kia giúp, thế là má cũng có giường trong phòng. Rồi sức khoẻ má bình thường lại. Vui nhất là mấy người trong phòng với mấy cô y bác sĩ đều bảo: Má con nhà này mặt giống nhau y đúc. Má cười. Tôi cũng cười. 

Sau đợt đấy, không biết bao nhiêu lần tôi training cho má, cách làm thế nào để bấm được điện thoại gọi cho tôi mỗi lúc có chuyện gì. Má cứ cười, nói nhớ rồi, thế mà hôm khác tôi kiểm tra lại, má lại không nhớ được. Có lẽ, sử dụng điện thoại, đối với má, là việc khó khăn và phức tạp trên đời.

Má con tôi, giản dị vậy thôi. Nên mỗi khi quá mệt mỏi, tôi lại ghé qua Hoàng Diệu, tìm đến ngôi nhà nhỏ có má Thương trong đó. Gối đầu lên đùi má, nghe má la đủ kiểu, rồi dặn dò đủ thể loại. Rồi ăn cơm má nấu. Thứ cảm giác hạnh phúc và yên bình, vốn dĩ rất trừu tượng và khó diễn tả, ở đây nó được gọi là "nhà má Thương"

Sáng hôm qua, tôi ghé má, chưa kịp cởi giày ra, má đã biết ngay là tôi vẫn có thói quen lười ăn sáng, má la cho, rồi nói để má chỉ chỗ ăn bún ngay ngoài hẻm. Mà chỉ không thôi thì không phải là má, cứ phải xách tai tôi ra tận hẻm đó, chỉ thẳng tay cách 50m, nói ăn xong rồi về, sáng nào má cũng ăn, to bún ngon lành có 10 ngàn bạc thôi. Đúng là to bún chỉ có 10 ngàn, của một gì trong xóm, rẻ nhất Đà Nẵng mà tôi từng biết. Má thiệt hay. 

Bức ảnh đầu tiên là ảnh chụp ở chỗ ăn bún má chỉ.

Đà Nẵng, 10.22 AM, 26.4.2018

nguyendacphong.com
DMCA.com Protection Status